Logo
EVN đã và đang tạo điều kiện tối đa cho các chủ đầu tư dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp

    Cần sự tích cực phối hợp của tất cả các bên

    Ông Trần Đình Nhân – Tổng giám đốc EVN cho biết, chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Thông báo số 182/TB-VPCP ngày 17/5/2023 đã khơi thông được rất nhiều vướng mắc trong công tác đàm phán giá bán điện đối với các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp. Tính đến ngày 24/5/2023, đã có 37/85 dự án với tổng công suất 2.370MW gửi hồ sơ đàm phán với Công ty Mua bán điện (EVNEPTC); trong đó, có 24 dự án đề nghị giá tạm.

    Đối với 24 dự án đề nghị giá tạm, EVN và các chủ đầu tư đã thống nhất được giá tạm của 20 dự án (trong đó có 19 dự án đã được Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm; 01 dự án đã hoàn thành đàm phán, hiện đang hoàn thiện thủ tục để sớm trình Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm). 4 dự án còn lại, EVNEPTC và chủ đầu tư vừa tiến hành đàm phán vừa tiếp tục rà soát hồ sơ để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

    Bộ Công Thương và EVN tổ chức Hội nghị với Chủ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, ngày 24/5/2023

    Tổng giám đốc EVN khẳng định, EVN rất mong các chủ đầu tư hợp tác để sớm đưa các dự án NLTT chuyển tiếp vào vận hành, phát lên lưới điện nhằm đảm bảo lợi ích hài hòa của doanh nghiệp và ngành Điện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Đối với những vướng mắc thuộc thẩm quyền xử lý của EVN sẽ được EVN và các đơn vị thành viên khẩn trương tháo gỡ, hỗ trợ tối đa cho các chủ đầu tư trên tinh thần tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

    Cầu thị và minh bạch

    Đại diện Công ty Mua bán điện (EVNEPTC) cho biết, sau khi Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 về quy định khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp, Công ty Mua bán điện đã nhiều lần có công văn gửi các nhà đầu tư đề nghị gửi hồ sơ tài liệu để có thông số tính toán, đàm phán giá điện. EVN cũng đã nhiều lần tổ chức hội nghị với các chủ đầu tư để trao đổi, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến trình tự thủ tục đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện và phương pháp tính toán giá điện... Các quy trình, thủ tục theo quy định cũng đã được EVN ban hành công khai, minh bạch và gửi đến các chủ đầu tư.

    Tuy nhiên, tính đến ngày 24/5/2023, vẫn còn 48 dự án chưa gửi hồ sơ đàm phán. Đối với các dự án này, EVNEPTC đã có 2 văn bản nhắc nhở các chủ đầu tư đề nghị cung cấp các hồ sơ tài liệu của dự án phục vụ cho công tác đàm phán, thỏa thuận giá điện.

    Ngoài ra, để sớm đưa các dự án đi vào vận hành thương mại, EVNEPTC đã có văn bản số 3879/EPTC-KTCNTT ngày 18/5/2023 gửi chủ đầu tư của 85 dự án đề nghị gửi chương trình thử nghiệm để hai bên xem xét thống nhất, làm cơ sở để các nhà máy điện đăng kí chạy thử nghiệm với cấp điều độ có quyền điều khiển. Đến hết ngày 23/5/2023, EVNEPTC đã nhận và có văn bản thống nhất chương trình chạy thử nghiệm của 17 nhà máy điện gió, mặt trời.

    Đại diện EVNEPTC khẳng định, công ty đã thành lập nhiều tổ đàm phán để sẵn sàng trao đổi và hướng dẫn giải quyết các vấn đề vướng mắc cho các nhà đầu tư. Do đó, các chủ đầu tư các dự án NLTT chuyển tiếp cần phối hợp cung cấp đầy đủ hồ sơ đàm phán, đặc biệt là hồ sơ pháp lý, cũng như bố trí cán bộ làm việc với EVNEPTC…

    Còn theo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, cả điều độ quốc gia và các điều độ miền đã bố trí CBCNV làm việc 3 ca, 5 kip, không quản ngày nghỉ để kịp thời hoàn thành các thử nghiệm công nhận COD cho các nhà máy theo đăng kí.

    Ngày 24/5 vừa qua, EVN tiếp tục tổ chức hội nghị với các chủ đầu tư dự án NLTT chuyển tiếp. Tại buổi làm việc này, ông Phan Xuân Dương – đại diện chủ đầu tư Nhà máy điện gió Lạc Hòa, Nhà máy điện gió Hòa Đông (Sóc Trăng) - chia sẻ qua nhiều cuộc họp với EVN, nhiều khó khăn đã được tháo gỡ. Các nhà đầu tư rất vui mừng. EVN và chủ đầu tư đã và đang nỗ lực phối hợp, triển khai nhanh các trình tự, thủ tục theo quy định với mục tiêu đưa các dự án vào phát điện một cách nhanh nhất.

    Về các hồ sơ, thủ tục mà Công ty Mua bán điện đề nghị các chủ đầu tư cần phải nộp, ông Phan Xuân Dương khẳng định, đó là các hồ sơ, thủ tục cần có theo đúng quy định của pháp luật khi đàm phán giá điện thực tế. Với một số hồ sơ mà quá trình hoàn thiện mất thời gian, chủ đầu tư sẽ bổ sung sau.

    Là một trong những đơn vị đã ký thỏa thuận giá tạm, đại diện chủ đầu tư Nhà máy điện gió Hiệp Thạnh (Trà Vinh) ghi nhận, Công ty Mua bán điện cũng như các cấp điều độ đã tạo điều kiện rất tốt, làm việc cả thứ 7, Chủ nhật để hướng dẫn, phối hợp với nhà đầu tư triển khai các quy trình, thủ tục theo quy định.

    Hiện một số dự án/phần dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đang gặp một số vướng mắc trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo quy định như: chủ trương đầu tư, công tác thử nghiệm và đầu nối, bổ sung quy hoạch... Về vấn đề này, EVN cho biết, những hạng mục thuộc thẩm quyền của EVN và các đơn vị thành viên như đấu nối, thí nghiệm và thử nghiệm công nhận COD, EVN sẽ tạo điều kiện, sớm hoàn thành khi các chủ đầu tư yêu cầu.

    Để đưa nhà máy điện vào vận hành kịp thời, EVN đề nghị chủ đầu tư phối hợp hoàn thiện hợp đồng mua bán điện sửa đổi bổ sung áp dụng giá điện tạm. Tập đoàn cam kết sẽ triển khai ngay lập tức việc đàm phán giá điện chính thức và thực hiện quyết toán tiền điện sau khi có hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.

    Trên cơ sở kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Thông báo số 182/TB-VPCP ngày 17/5/2023, tính đến ngày 24/5/2023, EVN nhận được hồ sơ đề nghị giá tạm của 24 dự án. Hai Bên đã họp và thống nhất:

    - Giá mua điện tạm (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) bằng 50% giá trần của khung giá phát điện cho từng loại hình nhà máy điện tại Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 07/01/2023 của Bộ Công Thương.

    - Giá mua điện chính thức và việc quyết toán tiền điện sẽ thực hiện theo hướng dẫn/quyết định của cấp có thẩm quyền.

    Ngày đăng: 29/06/2023

    Bài viết khác

    Khẩn trương hoàn thiện cơ chế khuyến khích lắp đặt điện mặt trời mái nhà

    Sáng 10/6, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với lãnh đạo Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), một số bộ, ngành liên quan để triển khai thực hiện mục tiêu trong Quy hoạch Điện 8 là phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia).

    Điện mặt trời mái nhà tự dùng - Giải pháp kinh tế, môi trường bền vững cho Việt Nam

    Năng lượng mặt trời là nguồn năng lượng tái tạo, không cạn kiệt. Nguồn điện từ điện mặt trời mái nhà giúp tiết kiệm chi phí tiền điện do không sử dụng điện lưới, hoặc giảm chi phí tiền điện theo giá điện sinh hoạt bậc thang; chi phí vận hành và bảo trì thấp; suất đầu tư đối với điện mặt trời giảm bình quân trên 10%/năm trong những năm gần đây; làm giảm lượng khí thải carbon gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu. Ngoài ra, sử dụng điện mặt trời còn làm tăng thêm khả năng cạnh tranh hàng hoá khi áp dụng chứng chỉ xanh. (Tính toán, phân tích của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam).

    Đến ngày 21/7/2023: 15 dự án NLTT chuyển tiếp hoàn thành thủ tục COD, phát điện thương mại lên lưới

    MẶT TRỜI - NGUỒN NĂNG LƯỢNG VÔ TẬN

    Ngày nay tài nguyên của quốc gia cũng như trên thế giới ngày càng cạn kiệt và giá thành ngày một cao, vì nhu cầu sử dụng điện và chất đốt ngày càng tăng. Để tiết kiệm nguồn tài nguyên cho thế hệ sau và cũng là tiết kiệm cho gia đình bạn. Đặc biệt là bảo vệ môi trường sống cho chúng ta và mai sau. Tôi xin giới thiệu đến mọi người một công nghệ xanh sản xuất điện